Phải mất hơn 100 năm để Thành Đông trở thành TP Hải Dương (từ 1804 đến 1923). Trong khoảng thời gian ấy, có biết bao sự đổi thay mà thế hệ chúng ta ngày nay, đặc biệt là thế hệ trẻ cần phải biết.Thành Đông là trung tâm hành chính, quân sự của tỉnh Hải Dương. Bên ngoài thành là các khu dân cư, nơi sinh hoạt của người nhà quan lại và binh lính, nơi chuyển đến lập nghiệp của các người thợ thủ công, buôn bán tụ tập làm ăn. Họ định cư tại địa điểm thuận lợi nhất lúc ấy là ven sông Sặt, tạo thành các chòm xóm, phát triển lên thành các giáp. Các giáp lại liên kết với nhau về mặt hành chính, tạo nên Đông Kiều Phố (có nghĩa là phố ở cầu phía đông của Thành Đông). Các người thợ thủ công từ các làng nghề trong tỉnh và các tỉnh lân cận chuyển đến, hình thành các phố nghề: phố Hàng Giầy, phố Hàng Bạc, phố Hàng Đồng, các hiệu thuốc Bắc… Lại có phố hàng Lọng để cung cấp lọng, tàn, tán… cho các đình chùa khắp nơi. Nơi chuyên chở, tập kết tre, gỗ, nứa, lá ở đoạn uốn của sông Thái Bình hợp lưu với sông Sặt, gọi là bến Bè (sau thành tên phố Bến Bè nay là phố Tam Giang). Gọi là phố nhưng đường còn ngoằn ngoèo, nhà cửa thấp bé, lụp sụp không khác nông thôn. Phần lớn các gia đình vừa ở, vừa sản xuất. Ngoài số người làm thợ hoặc buôn bán mở cửa quay ra đường đón khách, phần lớn gia đình vẫn cửa đóng then cài vì đi làm ngoài đồng.
Ngày 19-8-1883, thực dân Pháp chiếm Thành Đông. Viên công sứ người Pháp trực tiếp điều hành mọi việc trong thành. Sáu năm sau, họ dỡ bỏ Thành Đông và bắt đầu những cố gắng để kiến tạo một thành phố tương lai. Đường sắt chạy qua phía Bắc, có ga Hải Dương, ga Tiền Trung, cầu Phú Lương và cầu Lai Vu. Đường số 5 (quốc lộ) chạy từ Hà Nội chạy qua lòng thành phố, từ phố Phạm Ngũ Lão, qua đại lộ Hồ Chí Minh, phố Trần Hưng Đạo rồi cũng qua hai cây cầu Phú Lương, Lai Vu để tới Hải Phòng. Các cơ quan quản lý và hành chính đã được xây ra phần đất ở ngoài thành. Chậm nhất là Dinh Tổng đốc đến năm 1923 mới chuyển ra ngoài xây dựng (nay là trụ sở HĐND, UBND tỉnh). Còn dân phố, "thị xã Hải Dương là một làng lớn thời Nam Triều, vẫn còn là một làng lớn thời Pháp thuộc", "tiếp tục sống khổ sở, tối tăm ở giữa những hồ ao xung quanh chen chúc nhà tranh thảm hại. Một vài phố có được xây đắp tốt, nhưng không có bản họa (thiết kế, quy hoạch), gặp sao hay vậy. Hải Dương váng đọng lên ở trong bùn" (trích trong Miền Bắc Đông Dương- Bắc Kỳ của Ma-đờ-rôn, 1928).
Đúng 40 năm sau khi bình định Thành Đông, ngày 23-12-1923, toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập thành phố Hải Dương. Giai đoạn 1923-1927, việc xây dựng được đẩy mạnh, khắp nơi tôn cao mặt bằng thành phố. Người ta đã tính, trên 150.000 m3 đất, cát từ lòng sông Sặt đã được chở lên, san lấp 35 ao và các đoạn hào thành ở tây nam và đông nam Thành Đông. Nhà cầm quyền dùng tù nhân và thuê nhân công rẻ ở các vùng nông thôn đào chuyển đất, có đoạn chở bằng xe goòng, tạo mặt bằng, bán cho dân. Hoạt động kinh tế, không gian đô thị vẫn chủ yếu phát triển ở bờ Bắc sông Sặt. Ngoài tuyến quốc lộ số 5 nói trên chạy dọc thành phố, còn một tuyến đường lớn khác chạy từ bờ sông Sặt ra ga Hải Dương (phố Nguyễn Du, phố Quang Trung ngày nay) và tuyến từ ga chạy xuyên ra chợ Tây (chợ Phú Yên ngày nay) trước kia là phố Đề Lao, nay là phố Nguyễn Trãi. Các công trình phục vụ quản lý hành chính, sản xuất và sinh hoạt, các cơ sở giáo dục văn hóa được xây dựng. Thành phố Hải Dương chuyển dần từ trấn lỵ cổ phong kiến, kinh tế tự cấp tự túc sang đô thị phát triển theo phong cách quy hoạch và kiến trúc châu Âu từ đó. |